Thông tin cần thiết Thông tin cần thiết

Bài tuyên truyền về phòng, chống các dịch bệnh trên địa bàn phường Chương Dương năm 2024
16/04/2024 | 09:52  | View Count: 380

Bài Tuyên truyền

Các biện pháp phòng bệnh ho gà năm 2024

Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, tính từ đầu năm 2024 đến ngày 08/3/2024, toàn thành phố ghi nhận 15 ca mắc ho gà, trong khi đó cùng kỳ năm 2023 không ghi nhận ca mắc nào.

Ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp do trực khuẩn ho gà gây ra. Bệnh rất dễ lây truyền từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp. Bệnh ho gà có thể xảy ra ở mọi đối tượng và thường xảy ra ở trẻ em, đặc biệt trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ. Nếu không điều trị kịp thời, ho gà ở trẻ em có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi nặng, viêm não... Vắc xin phòng bệnh ho gà đem lại hiệu quả cao, giúp giảm tỷ lệ mắc và tử vong rõ rệt.

Dấu hiệu nhận biết:

Khởi đầu của bệnh ho gà có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn. Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn. 

Bệnh thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản-phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng.

Các biện pháp phòng bệnh Ho gà

1. Tiêm phòng

Cách hiệu quả nhất để phòng bệnh ho gà là tiêm chủng vắc xin ho gà đầy đủ và đúng lịch. Vắc xin ho gà được tiêm cho trẻ nhỏ trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại các trạm y tế xã, phường. Những trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, tiêm chủng muộn cần tiêm chủng càng sớm càng tốt.

Lịch tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà cho trẻ em trong tiêm chủng mở rộng:

-   Tiêm 3 mũi vắc xin có thành phần ho gà: vắc xin DPT-VGB-Hib (SII)  tiêm cho trẻ vào lúc trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi.

-   Tiêm nhắc lại vắc xin phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) cho trẻ lúc 18 tháng.

2. Vệ sinh phòng bệnh

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày.

Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

3. Phát hiện sớm và cách ly

Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà trẻ phải nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh ho gà hữu hiệu nhất. Để phòng tránh bệnh ho gà cho trẻ hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội

 

Bài tuyên truyền phòng chống bệnh Sởi năm 2024

 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gần đây đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh Sởi và nguy cơ bùng phát dịch Sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, do ảnh hưởng của COVID-19 và việc gián đoạn cung ứng các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023 đã tác động đến tỉ lệ tiêm chủng các vắc xin cho trẻ em trên toàn quốc. Việc nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi các vắc xin là yếu tố nguy cơ gây bùng phát các dịch bệnh, trong đó có bệnh Sởi. Theo báo cáo của hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm (Bộ Y tế) từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận 42 trường hợp mắc bệnh Sởi và sốt phát ban nghi sởi.

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên. Bệnh rất dễ lây và gây thành dịch. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp do hít phải dịch tiết mũi họng bắn ra, khuếch tán trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với đồ vật, chất tiết đường mũi họng của người bệnh.

Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng chưa có miễn dịch với bệnh và thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ. Sởi là bệnh lành tính nhưng nếu phát hiện muộn hoặc không được điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như: Viêm tai giữa cấp, viêm phế quản, tiêu chảy, mờ hoặc loét giác mạc, viêm phổi nặng có thể dẫn đến tử vong, phụ nữ có thai mắc sởi có thể gây sảy thai, đẻ non,…

Sởi đã có vắc xin phòng bệnh, vắc xin phòng bệnh Sởi đem lại hiệu quả cao, giúp giảm tỷ lệ mắc rõ rệt.

Dấu hiệu nhận biết bệnh sởi:

Sốt và phát ban là hai biểu hiện chính của bệnh. Trẻ thường sốt cao, khi sốt giảm sẽ xuất hiện ban dạng sần (gồ lên mặt da) ở sau tai, sau đó lan ra mặt, lan dần xuống ngực bụng và toàn thân. Sau 7 đến 10 ngày, ban biến mất theo thứ tự đã nổi trên da và để lại những vết thâm thường gọi là “vằn da hổ”. Ngoài ra bệnh còn kèm theo một số biểu hiện khác như: chảy nước mũi, ho, mắt đỏ, tiêu chảy…

Xử trí khi trẻ mắc sởi, nghi ngờ sởi:

Cách ly trẻ mắc sởi hoặc nghi ngờ mắc sởi với trẻ không mắc bệnh trong vòng 7 ngày từ khi phát ban. Cho trẻ ở phòng riêng và đảm bảo thông thoáng.

Đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, tăng cường thức ăn giàu vitamin nhất là vitamin A để bảo vệ mắt của trẻ.

Cho trẻ uống nhiều nước (Oresol, nước lọc…) đặc biệt khi trẻ sốt cao, tiêu chảy.

Vệ sinh răng miệng, vệ sinh thân thể cho trẻ hàng ngày.

Các biện pháp phòng bệnh sởi

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sởi, nên dự phòng là yếu tố tiên quyết.

1. Tiêm phòng

Trẻ dưới 2 tuổi được tiêm vắc xin sởi miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tại các trạm y tế xã/phường. Trẻ trên 2 tuổi và người lớn chưa tiêm vắc xin sởi cần tiêm sớm vắc xin tại các điểm tiêm chủng dịch vụ.

Tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh.

+) Mũi 1 tiêm khi trẻ được 9 tháng tuổi.

+) Mũi 2 tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi.

2. Vệ sinh phòng bệnh

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày.

Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, các vật dụng cho trẻ. Giữ cho nhà ở, phòng học luôn thông thoáng.

Không cho trẻ tiếp xúc và dùng chung vật dụng, đồ chơi với trẻ mắc sởi hoặc nghi ngờ mắc sởi. Hạn chế cho trẻ đến chỗ đông người, tại nơi có dịch sởi.

Tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.

Hãy đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin phòng Sởi đầy đủ và đúng lịch

 

Hoàn Kiếm, ngày 27/3/2024

Bài tuyên truyền về phòng, chống bệnh dại năm 2024

Theo hệ thống giám sát dịch bệnh (Bộ Y tế), cũng trong 2 tháng đầu năm 2024, cả nước đã ghi nhận 20 ca tử vong do bệnh dại, tăng 11 ca so với cùng kỳ năm 2023. Tại Hà Nội, từ ngày 5/1 đến 5/2, huyện Sóc Sơn đã xảy ra 2 ổ dịch dại trên động vật, làm chết và phải tiêu hủy 9 con chó, mèo. Các trường hợp người dân bị chó mắc dại cắn đều được tiêm vaccine phòng bệnh kịp thời. Dù chưa để lại hậu quả nghiêm trọng trên người nhưng qua đó cho thấy nguy cơ từ dịch bệnh nguy hiểm này là rất đáng lo ngại và không thể chủ quan, đặc biệt khi Hà Nội hiện nay có tổng đàn chó, mèo rất lớn với khoảng 440.000 con.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Hiện nay bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại đều tử vong 100%. Bệnh dại nguy hiểm nhưng đã có vắc xin phòng và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh dại.

Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp như sau:

1. Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

2. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm và có người dẫn.

3. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

4. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần:

- Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng hay nước rửa bát, các chất tẩy rửa thông thường,…. liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch – đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.

- Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70% hoặc dung dịch cồn iod.

- Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.

- Đến ngay cơ sở y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

         - Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

                                                          Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội  

Bình chọn Bình chọn

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử phường đã đẹp hay chưa?